(TN&MT) - Theo đánh giá của chuyên gia, việc ban hành danh mục các loài động vật hoang dã được phép gây nuôi thương mại được kỳ vọng là giải pháp bước đầu để giải quyết các lỗ hổng về mặt pháp luật hiện nay.
Hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học.
Thông tin tại Tọa đàm “Giải pháp quản lý hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã tại Việt Nam” vừa diễn ra gần đây tại Hà Nội, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết: Việt Nam hiện có khoảng 9.000 cơ sở nuôi thương mại động vật hoang dã đã được cấp phép; chưa kể nhiều cơ sở đang hoạt động tự phát. Thực tế cho thấy, cơ chế quản lý chưa chặt chẽ và thiếu sự giám sát hiệu quả đối với hoạt động nuôi thương mại động vật hoang dã đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng nhằm thu lợi bất chính từ việc nhập lậu và hợp pháp hóa động vật hoang dã có nguồn gốc bất hợp pháp. Một số cơ sở đã và đang nuôi nhốt động vật hoang dã có nguồn gốc bất hợp pháp trước khi đăng ký với cơ quan chức năng, hoặc nuôi các loài không phải được cấp phép. Chính vì vậy, hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của đất nước.
Để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã và triệt tiêu được tình trạng gian lận trong công tác quản lý gây nuôi động vật kể trên, bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV cho rằng giải pháp khả thi hiện nay là cần ban hành Danh mục các loài động vật hoang dã được phép gây nuôi thương mại và giới hạn hoạt động nuôi thương mại trong những loài thuộc danh mục này.
Theo nhận định của bà Hà, danh mục trên sẽ giúp giải quyết các lỗ hổng trong quản lý hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã tại Việt Nam như: Bảo đảm tất cả các loài động vật hoang dã không phù hợp cho nuôi thương mại không bị nuôi nhốt, buôn bán trái phép hay nhập lậu vào các cơ sở nuôi thương mại. Quy trình cấp phép cũng sẽ đơn giản, nhanh chóng hơn. Cán bộ quản lý chỉ cần đối chiếu loài được đăng ký với Danh mục loài động vật hoang dã được phép nuôi thương mại và cấp phép nếu cơ sở đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định mà không cần thực hiện thêm các thủ tục xác nhận với cơ quan khoa học.
Bên cạnh đó, chủ cơ sở cũng sẽ nắm rõ những loài được phép nuôi thương mại và đầu tư nguồn lực phù hợp cho hoạt động nuôi. Danh mục được ban hành có thể đi kèm với quy trình đăng ký được đơn giản hóa tạo điều kiện cho các cơ sở nuôi. Trên cơ sở đó, Danh mục động vật hoang dã được phép nuôi thương mại sẽ được cập nhật hàng năm từ đề xuất của người nuôi, cơ quan quản lý sau khi tham vấn ý kiến của cơ quan khoa học.
Ngoài ra, để phát triển bền vững nghề gây nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại, ông Nguyễn Quảng Trường, chuyên gia của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho rằng, cần có quy hoạch hợp lý về vùng nuôi, đối tượng nuôi và quy mô nhân nuôi; có đánh giá và dự báo thị trường; có hướng dẫn kỹ thuật nuôi và đánh giá rủi ro; quản lý và giám sát hiệu quả những loài nên đưa vào nuôi thương mại là các loài sinh sản tốt trong điều kiện nuôi nhốt, có hiệu quả kinh tế và không bị đe dọa tuyệt chủng trong tự nhiên.